RỐI LOẠN TIÊU HÓA
Mục lục
Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa
Có nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng rối loạn tiêu hóa, điển hình là do một số nguyên nhân như sau:
Uống nhiều rượu bia
Đây là nguyên nhân thường gây ra triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở người lớn. Việc uống rượu bia lâu ngày sẽ làm cơ thể mất đi một lượng lớn men tiêu hóa, đồng thời dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Bên cạnh đó, uống rượu bia nhiều sẽ gây tổn thương niêm mạc ruột, dẫn đến hội chứng ruột kích thích. Vì vậy nên thường sau mỗi cuộc nhậu với bia rượu, người bệnh thường gặp những triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, chướng bụng, đầy bụng, đi ngoài phân lỏng vào sáng hôm sau.
Lạm dụng thuốc kháng sinh
Đây là nguyên nhân thường xảy ra ở trẻ nhỏ, gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ em. Một số loại thuốc kháng sinh đặc biệt dễ dẫn đến mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, phụ huynh hay cho con dùng thuốc bừa bãi, khiến bé bị rối loạn tiêu hoá. Nếu bệnh nhân dùng kháng sinh liên tục trong thời gian dài có thể khiến tình trạng tiêu chảy trở nên nặng hơn và xảy ra hiện tượng đề kháng kháng sinh. Vì vậy, khi sử dụng thuốc kháng sinh, đặc biệt với đối tượng trẻ nhỏ, cần có chỉ định cụ thể từ bác sĩ.
Chế độ ăn uống không hợp vệ sinh
Ăn uống không đảm bảo vệ sinh hoặc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc dễ dẫn đến đau bụng, tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường ruột.
Trong những tháng đầu đời của trẻ, do hệ tiêu hoá chưa hoàn thiện, khả năng miễn dịch còn non kém, nên trẻ rất dễ mắc phải các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra, đối với trẻ em, vấn đề tiêu hóa có thể bắt nguồn từ việc phụ huynh lựa chọn thành phần thức ăn không phù hợp với lứa tuổi của trẻ, tâm lý trẻ bất ổn do học tập, thi cử,… Sau này, khi cấu trúc hệ tiêu hoá của trẻ dần hoàn thiện hơn, tình trạng này sẽ thoái lui.
Những triệu chứng của rối loạn tiêu hóa
Triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở người lớn và trẻ em thường gặp bao gồm:
Rối loạn đại tiện: Hầu như tiến triển chậm, nhưng với mức độ nặng dần. Người bệnh thường cảm thấy đau nặng bụng từng cơn, khi thì táo bón, lúc thì tiêu chảy, việc đi đại tiện không đều đặn như trước. Bệnh nhân có thể bị táo bón nhiều hơn tiêu chảy hoặc ngược lại, hoặc cả hai thể táo bón và tiêu chảy xen kẽ thất thường.
Đau bụng: cơn đau vùng bụng có thể diễn ra âm ỉ hoặc bộc phát dữ dội. Vị trí đau thường ở vùng bụng dưới bên trái, tuy nhiên cũng có khả năng ở nhiều chỗ khác nhau. Một số trường hợp cơn đau có thể lan ra phía sau lưng.
Đầy hơi khó tiêu: Đầy hơi là một trong những triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất. Bệnh nhân có biểu hiện bụng căng to, ợ hơi liên tục hoặc trung tiện nhiều.
Dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở trẻ em có thể biểu hiện thông qua việc trẻ chán ăn, nôn trớ, quấy khóc,… Triệu chứng rối loạn tiêu hoá ở bà bầu tương tự như ở người lớn, nhưng thường xảy ra ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ. Một số triệu chứng khác của rối loạn tiêu hóa, bao gồm: ợ chua, đắng hoặc hôi miệng, buồn nôn, nôn ói,…
Đối tượng dễ bị rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, mọi đối tượng. Tuy nhiên, các nhóm nguy cơ phải kể đến gồm:
*Trẻ em và thanh thiếu niên
Rối loạn chức năng tiêu hóa và rối loạn nhu động thường xảy ra ở nhóm đối tượng từ sơ sinh đến 18 tuổi. Tình trạng này gây nên những cản trở nghiêm trọng đối với sức khỏe cũng như sinh hoạt hàng ngày. Một số triệu chứng phổ biến nhất gồm: đau bụng, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy… Trong đó, rối loạn tiêu hóa chức năng chiếm ít nhất 40 – 50% các trường hợp, phần lớn liên quan đến dấu hiệu đau bụng.
*Người cao tuổi
Khi tuổi cao, lão hóa diễn ra mạnh mẽ, là yếu tố chủ yếu gây nên hiện tượng rối loạn hệ tiêu hóa thường gặp. Cụ thể như sau:
Thực quản: Tuổi càng cao, khả năng co bóp của thực quản và sức căng cơ vòng trên bị suy giảm.
Dạ dày: Tuổi càng cao, khả năng chống lại tổn thương của niêm mạc bao tử bị giảm, dẫn đến làm tăng cao nguy cơ loét dạ dày tá tràng. Ngoài ra, ở giai đoạn này, độ đàn hồi, sức chứa cũng như tốc độ thải thức ăn của dạ dày bị giảm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hệ tiêu hóa dễ bị rối loạn.
Ruột non: Sự lão hóa ở người lớn tuổi có ảnh hưởng đến cấu trúc ruột non, khiến quá trình di chuyển của các chất và khả năng hấp thụ dinh dưỡng ít nhiều bị hạn chế.
Nồng độ Lactase giảm: Điều này khiến một số người lớn tuổi bị rối loạn tiêu hóa khi dung nạp các sản phẩm từ sữa.
Sự phát triển quá mức của vi khuẩn: Số lượng một số loại vi khuẩn trong hệ tiêu hóa sẽ tăng lên theo tuổi tác, dẫn đến hiện tượng đau bụng, đầy hơi và giảm cân. Đồng thời đây cũng là nguyên nhân phổ biến khiến quá trình hấp thu chất dinh dưỡng bị cản trở, chẳng hạn như Vitamin B12, Sắt, Canxi…
*Phụ nữ mang thai
Tử cung có thể bị chạm vào ruột và dạ dày trong quá trình mang thai, ngoài ra, sự thay đổi của nội tiết tố cũng có thể gây ra rối loạn (táo bón, khó tiêu…).
*Những người tập luyện các môn thể thao yêu cầu sức bền
Những đối tượng này thường xuyên phải đối mặt với tình trạng mất nước, ăn kiêng, rối loạn mạch máu… gây tác động tiêu cực đến hoạt động tiêu hóa.
*Những người thường xuyên bị căng thẳng, lo lắng và phiền muộn
Việc tâm lý không ổn định và thoải mái cũng rất dễ khiến hệ tiêu hóa bị rối loạn.
*Những người đang mắc các bệnh mãn tính
tiểu đường loại 2, đau nửa đầu, suy giáp…
Biến chứng của rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa xuất phát từ nhiều nguyên nhân bệnh lý khác nhau. Vì vậy, tình trạng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, chẳng hạn như:
Bệnh cấp tính: Ngộ độc thực phẩm, viêm ruột thừa, thủng dạ dày…
Các vấn đề nguy hiểm về đường ruột: Viêm loét đại tràng, thiếu máu cục bộ đường ruột, ung thư…
Các rối loạn nguy hiểm và khẩn cấp: Tắc ruột, viêm ruột thừa, viêm tụy cấp…
Đặc biệt, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nếu gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng. Cụ thể bao gồm:
Đau bụng dữ dội và liên tục.
Nhịp tim nhanh.
Huyết áp thấp.
Đổ mồ hôi, đầu óc không tỉnh táo.
Vùng bụng bị sưng.
Đau khi chạm nhẹ vào bụng.
Điều trị rối loạn tiêu hóa
Quá trình điều trị rối loạn hệ tiêu hóa sẽ khác nhau tùy thuộc vào kết quả chẩn đoán, nguyên nhân gây bệnh… Tuy nhiên, nhìn chung, đối với trường hợp này, người bệnh có thể sẽ được khuyên thực hiện một số phương pháp sau:
Nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
Nên ưu tiên các loại thực phẩm dễ tiêu và có lợi cho hệ tiêu hóa
Tránh các loại thực phẩm chứa dầu mỡ, gia vị, bơ sữa…
Dùng các loại thuốc không kê đơn để làm giảm triệu chứng, chẳng hạn như thuốc nhuận tràng, thuốc trị táo bón…
Sử dụng thuốc kê đơn theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát triệu chứng buồn nôn, hỗ trợ bù nước (thậm chỉ sử dụng qua đường tĩnh mạch).
Biện pháp phòng ngừa rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tâm lý cũng như sinh hoạt, lao động hàng ngày. Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa ngay từ ban đầu là thực sự cần thiết và quan trọng. Một số biện pháp hữu ích gồm:
-
Ngăn các tác nhân gây ảnh hưởng xấu cho đường tiêu hóa
Các tác nhân này bao gồm thói quen sinh hoạt, ngủ nghỉ, ăn uống, thực phẩm sử dụng gây hại cho tiêu hóa (rượu bia, đồ cay nóng, dầu mỡ…)… Ngoài ra, thuốc không kê đơn hoặc kê đơn cũng có thể dẫn đến rối loạn hệ tiêu hóa nếu cơ thể bị nhạy cảm và dị ứng. Do đó, trước khi sử dụng, việc tham khảo ý kiến bác sĩ luôn cần được ưu tiên.
-
Đưa chất xơ trở thành thành phần chính trong thực đơn hàng ngày
Thực phẩm giàu chất xơ (trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu…) rất có lợi cho hoạt động tiêu hóa. Một số lợi ích quan trọng phải kể đến như:
Ngăn táo bón.
Ngăn ngừa hiện tượng tiêu chảy, đầy hơi và chướng bụng.
Cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột, giúp hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh.
Ngăn ngừa hội chứng ruột kích thích, đầy hơi, buồn nôn, co thắt ruột…
Ngoài ra, việc kết hợp chất xơ hòa tan và không hòa tan cũng là một giải pháp hữu ích để cải thiện hoạt động hệ tiêu hóa. Loại thức nhất chủ yếu tồn tại trong các loại hạt, đậu (đậu tây, đậu đen và đậu lima), trái cây (bơ, mơ, lê) và rau (cà rốt, củ cải). Trong khi đó, chất xơ không hòa tan có thể tìm thấy chủ yếu trong ngũ cốc, rau và trái cây.