Mục lục
Bệnh viêm gan B là gì?
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Bệnh ảnh hưởng lớn đến chức năng gan, có thể gây suy gan và dẫn đến tử vong. Hiện nay, virus viêm gan B vẫn là mối đe dọa lớn đến sức khỏe toàn cầu. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có hơn 2 tỷ người đã nhiễm bệnh với khoảng 400 triệu người trên thế giới mắc viêm gan B mãn tính, với 1,5 triệu ca nhiễm mới mỗi năm. Ở Việt Nam hiện nay số người nhiễm virus viêm gan B chiếm khoảng 20% dân số.
Viêm gan B mạn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan. Viêm gan B có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào và tỷ lệ điều trị khỏi hoàn toàn của viêm gan B mạn còn tương đối thấp. Mục tiêu chính là ngăn ngừa nhiễm virus viêm gan B, phát hiện sớm, theo dõi và điều trị khi có chỉ định để ngăn ngừa biến chứng xơ gan, ung thư gan và suy gan.
Nguyên nhân gây bệnh viêm gan B?
Viêm gan B gây ra do virus HBV (Hepatitis B Virus). Đây là loại virus có hình cầu, vỏ bao quanh của HBV là lipoprotein có chứa kháng nguyên bề mặt HBsAg. Cho đến nay, virus HBV được xác định có 8 tuýp kháng nguyên khác nhau.
Virus HBV có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 tháng. Giai đoạn đầu hoạt động, virus gây bệnh viêm gan B cấp tính. Sau 6 tháng, nếu cơ thể không thể tự miễn dịch được với virus, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính, nguy cơ cao đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan và có thể chịu nhiều gánh nặng bệnh tật suốt đời.
Viêm gan B lây qua đường nào?
Lây qua đường máu
Viêm gan B có thể lây qua khi tiếp xúc với đường máu của người nhiễm bệnh. Việc này bao gồm:
Để vết thương hở tiếp xúc với máu của người nhiễm bệnh.
Lây nhiễm qua việc dùng chung bàn chải đánh răng hay dao cạo râu.
Dùng lại kim chích để xăm mình, xỏ lỗ tai hay chích ma túy.
Dùng lại kim chích, ống chích y tế.
Do sự cố y tế truyền máu của người nhiễm viêm gan B cho người không mắc bệnh.
Lây từ mẹ sang con
Khi thai phụ bị nhiễm virus viêm gan B, khả năng lây nhiễm viêm gan B cho thai nhi là rất cao.
Tỷ lệ lây nhiễm tăng cao dần cùng với thời gian bé phát triển cho đến lúc trẻ ra đời. Trong 3 tháng đầu, tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ sơ sinh là 10% và tăng lên khoảng 60-70% ở 3 tháng cuối. Có đến 50% số trẻ này có thể bị viêm gan B mãn tính, đe dọa nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành.
Lây qua đường tình dục
Virus HBV có thể gây lây nhiễm cho đối phương qua các vết xước nhỏ trong quá trình quan hệ tình dục. Chính vì vậy hãy chắc chắn rằng, mình đã sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục như: không quan hệ bằng miệng, không sử dụng các dụng cụ hỗ trợ kém vệ sinh…
Dấu hiệu của bệnh viêm gan B
Sau khi bị nhiễm virus triệu chứng có thể xuất hiện từ 6 tuần đến 6 tháng, trung bình là 3 – 4 tháng. Các triệu chứng bao gồm:
Sốt.
Nổi mẩn trên da, ngứa.
Đau xương khớp
Người bệnh thấy mệt mỏi.
Ăn không ngon miệng.
Vàng da vàng mắt.
Đau hạ sườn phải.
Tuy nhiên, mức độ triệu chứng bệnh thay đổi tùy theo từng người. Một số bệnh nhân không có triệu chứng gì cả nhưng cũng có người triệu chứng nặng đến rất nặng kéo dài nhiều tuần hay nhiều tháng, thậm chí suy gan và cần được ghép gan
Biến chứng nguy hiểm
Ngay sau khi vào cơ thể, virus HBV bắt đầu hoạt động, bám vào bề mặt gan, phá hủy và làm rối loạn hoạt động của tế bào gan, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
Suy giảm chức năng gan: Virus HBV phá hủy tế bào từ bên trong, gây tổn thương gan và làm suy giảm các chức năng gan như thải độc, lọc máu, chuyển hóa chất, tổng hợp chất…
Gan nhiễm mỡ: Quá trình phân giải Triglyceride ở gan bị suy giảm, khiến cho chất béo không được chuyển hóa mà tích tụ lại gây gan nhiễm mỡ.
Xơ gan: Biến chứng nguy hiểm nhất của viêm gan B là dẫn đến xơ gan và việc điều trị xơ gan hiện nay là hết sức khó khăn.Trong vòng 20 năm hoặc sớm hơn, viêm gan B nếu không điều trị sẽ thành xơ gan, ngăn chặn dòng máu đi qua gan, làm suy giảm trầm trọng chức năng gan, Nguyên nhân dẫn đến xơ gan là do viêm gan B kéo dài lâu dần hình thành các mô sẹo ở gan, gây tổn thương, suy giảm chức năng của tế bào gan, cuối cùng là xơ gan.
Ung thư gan: Trung bình, cứ 100,000 người Việt thì có 23,2 người bị ung thư gan. Viêm gan B làm tăng sinh tế bào gan ác tính, sau 10 năm hoặc sớm hơn sẽ tiến triển thành ung thư gan.
Các phương pháp chữa bệnh
Một số phương pháp dùng để điều trị bệnh viêm gan B như:
Điều trị dự phòng:
đây là một biện pháp dùng để phòng bệnh viêm gan B khi bạn phơi nhiễm với virus viêm gan B. Lúc này, bạn nên báo ngay với nhân viên y tế về tình trạng của bản thân và dùng ngay phác đồ globulin miễn dịch kháng viêm gan B (HBIG) theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Điều trị cấp tính:
Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị viêm gan B cấp tính. Nhiễm viêm gan B cấp tính có thể tự khỏi ở 95% người trưởng thành khỏe mạnh. Bạn sẽ được theo dõi diễn tiến bệnh hoặc dùng một số phương pháp điều trị hỗ trợ như giảm đau, truyền dịch, hạ sốt,…
Điều trị nhiễm trùng mạn tính:
Theo dõi: việc quản lý theo dõi bệnh HBV mạn tính bao gồm xác định đồng nhiễm HIV, viêm gan C và viêm gan D. Tình trạng nhân lên của virus viêm gan B cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh thông qua đánh giá lâm sàng, công thức máu, men gan và hình ảnh mô học gan.
Dùng thuốc tây: khi có chỉ định điều trị viêm gan B mạn tính ta có thể dùng thuốc điều hòa miễn dịch – Interferon (peginterferon alfa-2a, interferon alfa-2b) hoặc thuốc kháng virus (entecavir, lamivudine, telbivudine, adefovir, tenofovir) để làm giảm bớt các tổn thương tế bào gan và hạ men gan.
Nhiễm HBV cấp tính có thể tự khỏi. Tuy nhiên, những người tiến triển đến trạng thái mạn tính có nguy cơ cao phát triển ung thư biểu mô tế bào gan, xơ gan hoặc suy gan tối cấp.
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần phải tái khám định kỳ 3 tháng/lần để theo dõi tình trạng hoạt động và số lượng của virus. Người bệnh cần duy trì tái khám mỗi 3-6 tháng sau khi ngừng thuốc để theo dõi, kiểm soát kịp thời nếu virus hoạt động trở lại.
Biện pháp phòng ngừa
Một số biện pháp phòng ngừa như:
Tiêm vaccine viêm gan B.
Quan hệ tình dục an toàn.
Người bệnh cần bỏ ngay các thói quen như hút thuốc, uống rượu bia, thức khuya.
Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế đồ ăn nhanh, đồ cay nóng, đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ, thực phẩm nhiều chất bảo quản để tránh tăng áp lực cho gan.
Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, vừa sức tuy không thải trừ được virus nhưng giúp người bệnh nâng cao thể trạng sức khỏe.
Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bạn muốn sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào.