Đau đầu là gì?
Đau đầu là gì? Tổng quan bệnh Đau đầu
Đau đầu là triệu chứng thứ phát, đau nhức ở phần đầu do nhiều chứng bệnh khác nhau gây ra, nó xảy ra theo cơ chế kích thích (cơ học, hóa học,…) các cấu trúc cảm giác trong hoặc ngoài sọ.
Là một triệu chứng có tỷ lệ mắc rất cao trong các nghiên cứu dịch tễ học lâm sàng. Ở các nước Châu Âu, Mỹ, đau đầu là một trong những nguyên nhân mà thầy thuốc hay gặp nhất.
Nguyên nhân gây đau đầu
Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát. (2)
*Đau đầu nguyên phát
Đau đầu nguyên phát: chiếm 90% nguyên nhân gây đau. Đau đầu nguyên phát không do nguyên nhân thực thể, không do tổn thương cấu trúc não bộ. Nhóm đau đầu nguyên phát bao gồm nhiều loại, trong đó phổ biến nhất là:
Đau nửa đầu Migraine
Đau do căng cơ
Đau từng cụm
Các loại đau đầu nguyên phát khác như: đau khi gắng sức, khi ngủ, đau nửa đầu liên tục…
Hoạt động hóa học trong não, các dây thần kinh hoặc mạch máu xung quanh hộp sọ hoặc các cơ ở vùng đầu cổ có thể đóng vai trò trong chứng đau đầu nguyên phát.
Một số cơn đau nguyên phát có thể được kích hoạt bởi các yếu tố lối sống, bao gồm:
Uống nhiều rượu, bia, đồ uống chứa caffein
Có sự thay đổi trong việc ăn uống, ngủ nghỉ
Có chuyện đau buồn, lo lắng
Căng thẳng liên quan đến gia đình và bạn bè, công việc hoặc trường học.
Đứng, ngồi sai tư thế ảnh hưởng lên mắt, cổ hoặc lưng
Ánh sáng mạnh, tiếng ồn hoặc thời tiết thay đổi.
Tình trạng đau đầu, đặc biệt là đau nửa đầu, chịu ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Hầu hết trẻ em và thanh thiếu niên mắc chứng đau nửa đầu đều có các thành viên khác trong gia đình mắc bệnh. Khi cả cha và mẹ đều có tiền sử mắc chứng đau nửa đầu, thì 70% khả năng con của họ cũng sẽ mắc chứng bệnh này.
*Đau đầu thứ phát
Đau đầu thứ phát là cơn đau do một bệnh lý cụ thể gây ra, bao gồm:
Đau do bệnh thần kinh như chấn thương sọ não, u não, bệnh màng não – mạch máu não, hội chứng tăng áp lực nội sọ…
Đau do bệnh toàn thân: say nóng, say nắng, nhiễm khuẩn toàn thân cấp tính, nhiễm độc…
Đau do bệnh nội khoa: bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa, bệnh nội tiết, thiếu máu…
Đau do các bệnh chuyên khoa khác: Bệnh về mắt, tai mũi họng, cơ xương khớp, nha khoa…
Xử lý thế nào khi bị đau đầu
Những cơn đau đầu không do bệnh lý cũng ảnh hưởng ít nhiều tới sinh hoạt, cuộc sống của bệnh nhân. Một số cách khắc phục đơn giản dưới đây cũng giúp bạn hạn chế tình trạng này:
– Thư giãn tinh thần, giải tỏa stress.
– Chườm đá hoặc xoa bóp huyệt thái dương.
– Luyện tập thể dục thường xuyên.
– Uống nhiều nước, từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.
– Hạn chế uống bia rượu, hút thuốc lá, lạm dụng cà phê, chè,…
– Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, bổ sung vitamin và khoáng chất thiết yếu.
Nhiều bệnh nhân lạm dụng sử dụng thuốc giảm đau khi hay bị đau đầu kéo dài. Việc lạm dụng thuốc giảm đau càng khiến bệnh lý tiềm ẩn thêm nặng, gây nhiều hậu quả sức khỏe. Cần tìm ra nguyên nhân và khắc phục loại bỏ từ nguyên nhân mới giúp loại bỏ những cơn đau đầu khó chịu.
Việc phân biệt nguyên nhân hay bị đau đầu do bệnh lý nguy hiểm hay lành tính, nguyên nhân ngoài bệnh lý rất quan trọng để có thể khắc phục, loại bỏ tình trạng bệnh. Nếu hay bị đau đầu cùng các triệu chứng bất thường khác, hãy tới các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị sớm nhất. Đừng chủ quan với bất cứ dấu hiệu bệnh bất thường nào